
Ông Bùi Xuân Sơn – nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh (Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) – đã không thôi suy nghĩ về ngày tái hợp nhất của 3 tỉnh ngay tại thời điểm chia tách cách đây gần 30 năm.
Tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập năm 1975, trong công cuộc sáp nhập tỉnh thành lớn sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tới năm 1992, Hà Nam Ninh tách ra thành Nam Hà và Ninh Bình. Ông Bùi Xuân Sơn khi đó là Ủy viên Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Ninh được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Nam Hà.
4 năm sau, 1996, tỉnh Nam Hà chia tách một lần nữa, tái lập 2 tỉnh Hà Nam và Nam Định như trước năm 1965. Thời điểm ấy, ông Bùi Xuân Sơn được Trung ương điều động giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính.
Vị lãnh đạo cao nhất đã trải nghiệm việc lãnh đạo, điều hành một tỉnh lớn như Hà Nam Ninh, cũng chứng kiến việc chia tách tỉnh thành 30 năm trước, nay quả quyết “chủ trương hợp nhất tỉnh thành cùng với tinh gọn bộ máy đang tiến hành hoàn toàn đúng đắn”.
Lãnh đạo chỉ ngồi chờ thì… không ăn thua!
Trước cuộc cách mạng sắp xếp lại đơn vị hành chính ở địa phương với định hướng sáp nhập nhiều tỉnh thành, hình thành những tỉnh với quy mô rộng lớn hơn, ông đánh giá thế nào về không gian phát triển sẽ tạo ra được cho các khu vực, từ trải nghiệm từng làm Bí thư một tỉnh lớn vùng Đồng bằng sông Hồng như Hà Nam Ninh mấy chục năm trước?
– Không nói đâu xa, như Hà Nam Ninh của chúng tôi ngày xưa, sáp nhập 3 tỉnh tạo ra không gian phát triển rộng lớn hơn, vừa có biển, vừa có đồng bằng, vừa có núi, kết nối các lợi thế của từng tỉnh. Điều kiện tự nhiên đến nay vẫn vậy, ngoài ra các địa phương còn những đặc thù khác.
Nam Định có lợi thế về con người, về đất đai, có không gian phát triển nông nghiệp, kinh tế biển theo hướng hiệu quả cao. Hà Nam có lợi thế về công nghiệp. Ninh Bình có những doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt, có hướng thu hút du lịch hiệu quả.
Song, nếu tái lập Hà Nam Ninh thì việc kết nối cả 3 như nào trong phép cộng lần này là cả vấn đề.
Tôi cho rằng, trước hết sáp nhập hay không thì vẫn phải duy trì sự phát triển của cả 3 tỉnh, nhưng xét điều kiện tỉnh nào có thế mạnh phát triển vượt trội, bật lên được thì Trung ương nên quan tâm đầu tư vào đó.
Ví dụ, nhìn vào hiện tại, Hà Nam và Ninh Bình đang có tốc độ phát triển cao hơn Nam Định. Nhưng nhìn xa hơn thì Nam Định có nhiều điều kiện để bứt phá nếu như giao thông được khơi mở hơn, kết nối, quy tụ các khu công nghiệp.
Tất nhiên, chúng ta còn phải biết Trung ương xây dựng tiêu chí sáp nhập như thế nào. Nếu mục tiêu là hình thành trung tâm kinh tế thì lựa chọn phát triển sẽ khác với mục tiêu trung tâm chính trị văn hóa.
Tôi nghĩ, tiêu chí kinh tế không phải là yếu tố duy nhất để quyết định sáp nhập các tỉnh mà còn phải xem xét các yếu tố như địa lý, dân số, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng… Tôi chờ quyết định cuối cùng do Trung ương đưa ra.
Ông Bùi Xuân Sơn – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Ninh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Nam Hà (ngoài cùng bên trái) trong một cuộc gặp mặt, tri ân cựu lãnh đạo chủ chốt tại tỉnh Nam Định.
Đã nắm cả 3 tỉnh và thấy rõ những khác biệt như thế, ông hẳn là hiểu rõ những thách thức với việc sáp nhập, hợp nhất các địa phương? Làm sao để các phép cộng lần này thật sự hiệu quả và bền vững, thưa ông?
– Như với 3 tỉnh của chúng tôi, cái khó tiêu biểu của Nam Định là không giữ chân được nhân tài, thu hút được người giỏi quay trở về làm việc, xây dựng quê hương. Nam Định là đất học, là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao nhưng lại phân tán hết.
Nhưng nhược điểm cán bộ nơi đây, cứ bật lên được là đi, cứ thể hiện được một chút là lại lên Trung ương. Thành ra lãnh đạo các nhiệm kỳ thay đổi nhiều, có khi chưa được xong một khóa cũng đã đi mất. Trong khi theo tôi, bí thư tỉnh ít nhất nên làm 2 khóa mới có thể biết mọi ngóc ngách, vấn đề của địa phương. Sau tôi có 5 đời Bí thư Nam Định nữa nhưng không có ai lâu dài.
Trong khi ấy, Hà Nam đã thu hút được công nghiệp. Ninh Bình đã vươn lên, bật lên được nhờ sự vun vén gây dựng để có được những doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt. Sau nữa, Ninh Bình đã thúc đẩy, phát triển những thế mạnh riêng đúng thời điểm, ví dụ như xây dựng, làm du lịch dịch vụ, hay thậm chí đang manh nha làm ô tô.
Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình ngày nay (Ảnh: Thái Bá).
So sánh như vậy để thấy, ở khía cạnh phát triển kinh tế tư nhân, doanh nghiệp cá nhân ở Nam Định chưa được chú trọng mà tỉnh cũng chưa khơi bật lên được thế mạnh vốn có của mình. Cho phép tôi nói thật, các lãnh đạo chưa thấy tập trung với chuyện phát triển nhân tài, thậm chí còn chuyện này chuyện kia khiến tỉnh đi chậm lại.
Nếu có chuyện tái lập tới đây thì việc 3 tỉnh của chúng tôi có cộng sức hiệu quả, giảm thiểu được những rào cản lẫn nhau hay không phụ thuộc vào năng lực điều hành của bộ máy lãnh đạo tỉnh mới. Yêu cầu với lãnh đạo tỉnh phải thực sự nhanh nhạy, đơn cử như với việc thu hút đầu tư nước ngoài, nếu chỉ ngồi chờ thì… không ăn thua.
Giảm biên chế, “ít” có đi kèm với “chất”?
Qua hai lần chia tách tỉnh, từ Hà Nam Ninh thành Nam Hà, Ninh Bình, rồi lại từ Nam Hà thành Nam Định, Hà Nam trong vòng mấy năm, so sánh với việc sáp nhập, theo ông những khó khăn, thách thức nằm ở đâu?
– Theo tôi, vấn đề thách thức nhất là quản lý nhà nước. 30 năm trước, một trong những yếu tố thuận lợi cho việc sắp xếp bộ máy hành chính là cán bộ lúc bấy giờ rất nghiêm, biết giữ gìn và vì tập thể.
Sau này, kinh tế thị trường ra đời khiến cho nhiều cán bộ có lợi ích riêng, rất khó với người làm công tác quản lý. Việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính đòi hỏi cán bộ vừa phải đủ trình độ vừa phải thực sự vì công việc, đặt cái chung lên trên cái riêng.
Vấn đề thứ hai là xử lý tính cục bộ địa phương. Tính cục bộ là bản năng của con người. Việc xóa cục bộ đòi hỏi sự giác ngộ của lãnh đạo, ý thức chung của toàn xã hội và cơ chế đủ mạnh để hạn chế, ngăn ngừa chuyện biến tướng, tiêu cực.
Nhà máy dệt Nam Định xưa và nay.
Khi còn làm lãnh đạo Hà Nam Ninh, tôi chú trọng sự đồng đều ở cả 3 địa bàn, làm thế nào để mỗi vùng đều phải có không gian, có cơ hội để phát triển. Nếu chỉ tập trung phát triển kinh tế của một vùng nào đó thì nhiều vấn đề sẽ nảy sinh và việc chống cục bộ trở nên khó khăn hơn.
Với cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy, sáp nhập tỉnh thành hiện nay, nhiều ý kiến đã cảnh báo về nguy cơ phân hóa, bè cánh khi rõ ràng vị trí, chức vụ sẽ giảm hẳn trong khi nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số có thể mang đến lợi thế cho địa phương có dân số đông hơn. Làm thế nào để giải quyết được vấn đề này, thưa ông?
– Từ thực tế làm việc, tôi rút ra 3 điểm mấu chốt này: Thứ nhất là lãnh đạo phải có tầm nhìn bao quát; thứ hai là lãnh đạo phải vì cái chung, không thiên vị chỗ này, chỗ kia, tạo điều kiện phát triển đồng đều; thứ ba là phải có một đội ngũ cán bộ giỏi, nhiệt huyết. Cán bộ chưa làm gì mà đã đòi hỏi thì làm sao mà phát triển được.
Ở góc độ cá nhân, ông thích làm lãnh đạo, điều hành một tỉnh lớn như Hà Nam Ninh với không gian rộng mở, có cả núi cả biển, cả đất đai, con người… như ông đề cập ở trên hay tập trung trong một phạm vi nhỏ hẹp hơn để dễ xoay trở?
– Thực ra khi chia tỉnh ngày xưa tôi cũng đã phân vân. Tôi vẫn cho rằng cộng 3 tỉnh thì sẽ có tiềm lực lớn hơn, nhưng để khai thác được tiềm lực lớn thì cũng cần đầu tư lớn và dài hạn.
30-40 năm trước, đất nước khi đó ở bối cảnh phải vội vã thay đổi. Kinh tế thị trường, mở cửa đất nước, phải chia ra để mỗi nơi cùng tự nỗ lực hơn một chút, thực tế là để giải quyết được vấn đề đời sống cho đỡ cực hơn trước.
Khi chia tách xong thời gian đó, tôi đã suy nghĩ rồi sẽ có một ngày 3 tỉnh chúng tôi phải hợp nhất lại thôi. Tôi đã rất day dứt với việc đó.
Trong việc sắp xếp, sáp nhập lần này, ông kỳ vọng gì?
– Tôi xin nhấn mạnh, chủ trương hợp nhất tỉnh thành và tinh gọn bộ máy là đúng đắn, tất yếu phải làm. Điều quan trọng bây giờ là bước đi ra sao, cách thức tổ chức quản lý và trình độ cán bộ quản lý, nhất là người đứng đầu.
Thành phố Nam Định và thành phố Phủ Lý (Hà Nam) ngày nay.
Cái tôi quan tâm không phải là giảm biên chế. Giảm biên chế ai cũng muốn nhưng chất lượng của bộ máy sau khi giảm biên chế mới đáng bàn. Không phải chỉ cần có hạ tầng công nghệ thông tin phát triển, dễ dàng kết nối từ trên xuống dưới, đi lại thuận tiện… là xong đâu. Vấn đề là cách quản lý và điều hành cần thay đổi như thế nào cho phù hợp với hướng tổ chức tinh gọn, mở rộng địa bàn quản lý nhưng lại thu hẹp đầu mối, giảm cấp chính quyền.
Bây giờ nhiều người băn khoăn nếu bỏ huyện, 85% số nhiệm vụ, công việc từ tỉnh đưa thẳng về xã thì tổ chức thế nào; tỉnh thì rộng, giờ chỉ đạo xuống cơ sở sao, chia khu vực sao… Tôi cũng chưa hình dung hết được hướng tổ chức nhưng thực tế rõ ràng đòi hỏi trình độ cán bộ cơ sở phải thật giỏi. Khoa học kỹ thuật là công cụ, phương tiện nhưng yếu tố con người luôn là cơ bản.
Thời gian tới sẽ đến khâu lấy ý kiến ở địa phương, nên mở ra không gian thảo luận tích cực của nhân dân. Tôi tin dân luôn nghe theo Đảng, theo Trung ương, chỉ cần dân chủ, chân thành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
https://dantri.com.vn/noi-vu/khi-tach-tinh-toi-da-nghi-som-co-ngay-hop-nhat-lai-20250328012546619.htm