
Theo HĐXX tại cấp phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan nỗ lực đưa ra các phương án khắc phục hậu quả nên có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 21-4, sau gần một tháng xét xử và nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại TP.HCM tiến hành tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan cùng các bị cáo khác trong giai đoạn 2 của vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
HĐXX phúc thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trương Mỹ Lan 20 năm tù về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (sơ thẩm tuyên án chung thân); 12 năm tù về tội rửa tiền; 8 năm tù về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Tổng hợp với bản án tử hình ở giai đoạn 1 của vụ án, buộc bị cáo Lan phải chấp hành hình phạt chung là tử hình.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Theo HĐXX, đây là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm, trong đó có nhiều bị cáo bị xử lý về tội rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới có tội phạm nguồn là tội tham ô ở giai đoạn 1 của vụ án.
Sau khi xem xét, đánh giá toàn diện tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận công khai tại phiên tòa, có căn cứ để xác định bị cáo Trương Mỹ Lan với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn VTP, đồng thời là người nắm giữ quyền quyết định cao nhất, chi phối và chỉ đạo mọi hoạt động tại Ngân hàng SCB.
Bà Trương Mỹ Lan được giảm nhẹ hình phạt ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Sau khi nhận được báo cáo của Nguyễn Phương Hồng (đã chết) và các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB về tình trạng nợ xấu kéo dài và áp lực thanh toán các khoản nợ của các Công ty thuộc Tập đoàn VTP tại ngân hàng SCB, Trương Mỹ Lan đã đồng ý với đề xuất của Nguyễn Phương Hồng, thống nhất chủ trương phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn nhằm giải quyết các khó khăn về tài chính của SCB và cá nhân Trương Mỹ Lan.
Để thực hiện chủ trương này, bà Trương Mỹ Lan đã họp và tham vấn các nhân sự chủ chốt của Ngân hàng SCB, Tập đoàn VTP và Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Từ đó, thống nhất sử dụng bốn công ty thuộc Tập đoàn VTP để phát hành trái phiếu riêng lẻ gồm: Công ty An Đông; Công ty Quang Thuận; Công ty Sunny World và Công ty Setra. Các công ty này là Công ty cổ phần chưa được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, không phải là Công ty Đại chúng.
Theo quy định thì trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư. Nhưng với mục đích huy động rộng rãi nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu các bị cáo đã xây dựng cơ chế để phát hành trái phiếu cho hàng nghìn người mua.
Cụ thể, sau khi bốn công ty trên phát hành trái phiếu, các bị cáo đã thiết lập các giao dịch khống, chạy dòng tiền để tám công ty khác mua sơ cấp các gói trái phiếu. Ngân hàng SCB và Công ty chứng khoán TVSI là các kênh tư vấn, môi giới phát hành trái phiếu trên đến hàng chục nghìn người.
Kết quả, từ năm 2018-2020 các bị cáo với vai trò, nhiệm vụ khác nhau đã tham gia phát hành 25 mã trái phiếu với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, hiện còn dư nợ và chiếm đoạt số tiền hơn 30 tỉ đồng của 35.824 bị hại.
Cạnh đó, để sử dụng nguồn tiền từ hành vi phạm tội mà có bị cáo Lan đã chỉ đạo các đồng phạm khác rút tiền, cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức hóa nguồn gốc bất hợp pháp với số tiền 445.000 tỉ đồng. Ngoài ra, với việc thiết lập các giao dịch khống, thông qua hệ thống Ngân hàng SCB, bị cáo và đồng phạm đã vận chuyển trái phép qua biên giới với số tiền 4,5 tỉ USD tương đương 106.000 tỉ đồng.
Có căn cứ để giảm nhẹ cho bà Trương Mỹ Lan
Xét kháng cáo của bị cáo Lan, HĐXX xét thấy với vai trò là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VTP và là người nắm giữ quyền chi phối cao nhất tại ngân hàng SCB, bị cáo đã triệu tập cuộc họp với các bị cáo là lãnh đạo chủ chốt của SCB và VTP để đưa ra chủ trương, xây dựng một quy trình vận hành để bán trái phiếu rộng rãi cho người mua. Việc này đã thể hiện rất rõ ý thức gian dối, muốn chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu. Để che dấu dòng tiền do phạm tội mà có, các bị cáo đã sử dụng thủ đoạn để cắt đứt 445.000 tỉ đồng nên phạm vào tội rửa tiền.
Đối với tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, mặc dù hành vi vận chuyển do các bị cáo thực hiện không phải dạng cơ học (mang, vác tiền qua biên giới) nhưng các bị cáo đã lợi dụng hoạt động thanh toán quốc tế của tổ chức tín dụng để dịch chuyển tiền tệ ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và nhận tiền tệ từ nước ngoài vào lãnh thổ của Việt Nam trái pháp luật.
Việc dịch chuyển này thực hiện thông qua hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng, làm thay đổi bản chất hoạt động đúng đắn của nghiệp vụ thanh toán quốc tế được pháp luật bảo vệ và lợi dụng hoạt động này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Cũng theo HĐXX, căn cứ vào văn bản của Cục THADS có cơ sở để xác định các cơ quan tố tụng đã thu hồi được hơn 8.600 tỉ đồng của bị cáo Lan ở cả hai giai đoạn, số tiền này chưa tính đến các khoản tiền dự kiến sắp thu hồi là giá trị cổ phần, cổ phiếu của bị cáo tại các dự án và các tài sản liên quan đến các tổ chức, cá nhân khác.
HĐXX xét thấy đây là tình tiết mới, bị cáo Lan tại phiên tòa phúc thẩm thể hiện sự ăn năn hối cải, thiện chí cũng như nỗ lực khắc phục hậu quả của vụ án nên có cơ sở để xem xét giảm nhẹ hình phạt từ chung thân xuống tù có thời hạn ở tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chồng bị cáo Trương Mỹ Lan không kháng cáo nhưng vẫn được giảm nhẹ
Xét thấy bị cáo Chu Lập Cơ mặc dù không kháng cáo nhưng tại cấp phúc thẩm bị cáo vẫn tiếp tục nộp thêm 5 tỉ đồng vào hậu quả chung của vụ án.
Cạnh đó, xét thấy tòa án cấp sơ thẩm tuyên hình phạt đối với bị cáo này là chưa công bằng so với các bị cáo khác khi xét về tính chất, mức độ và hậu quả gây ra, nên cần giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Cơ để thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt ông Chu Lập Cơ 1 năm tù về tội rửa tiền (cấp sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù).
nguồn: https://baomoi.com/ba-truong-my-lan-duoc-giam-an-tu-chung-than-xuong-20-nam-tu-o-toi-lua-dao-c52034057.epi