
Hơn 7 năm qua, huyện Phù Mỹ (Bình Định) vẫn loay hoay chưa thu hồi được hơn 5,3 tỉ đồng đã chi sai trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1 dù đã ban hành 172 quyết định thu hồi và cán bộ cũng đến tận nhà vận động người dân.
Trụ sở UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: Phương Thảo
Lấy lại không dễ!
Vụ việc bắt nguồn từ năm 2015, khi dự án thành phần GPMB và tái định cư của Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua Bình Định hoàn thành. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, phối hợp cùng UBND các địa phương như An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn triển khai công tác đền bù.
Sau khi dự án kết thúc, cơ quan chức năng phát hiện có sai sót trong khâu quyết toán, tổng số tiền chi sai lên tới hơn 57 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh Bình Định đã thu hồi được hơn 51 tỉ đồng, nhưng vẫn còn hơn 5,3 tỉ đồng chưa thể lấy lại từ người dân huyện Phù Mỹ.
Năm 2018, huyện Phù Mỹ đã ban hành 172 quyết định để thu hồi hơn 5,3 tỉ đồng chi sai khi bồi thường GPMB, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thu được “một đồng nào”. Trong đó, xã Mỹ Châu với 130 hộ dân, số tiền phải thu hồi hơn 3,3 tỉ đồng; thị trấn Bình Dương với 18 trường hợp với số tiền hơn 1,4 tỉ đồng; thị trấn Phù Mỹ 34 hộ dân với số tiền hơn 471 triệu đồng; xã Mỹ Phong 2 trường hợp với số tiền hơn 64 triệu đồng.
Ông Phan Hữu Duy – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ – thừa nhận bế tắc trong việc thực hiện thu hồi số tiền đã chi sai. “Huyện đã triển khai không biết bao nhiêu phương án, từ vận động đến năn nỉ, nhưng người dân kiên quyết không trả lại tiền. Tiền vào tay dân rồi thì không dễ gì lấy lại, nhất là tiền đền bù”, ông Duy nói.
Xử lý cán bộ hay tiếp tục truy thu?
Không chỉ gặp khó khăn trong thu hồi, chính quyền địa phương huyện Phù Mỹ còn đứng trước bài toán nan giải là “thu hồi tiền chi sai hay xử lý cán bộ?”.
“Giờ xử lý hình sự cán bộ thì không phải dễ, liên quan cả cuộc đời của họ. Còn trừ 50% lương thì anh em lấy gì để sống, mà trừ như vậy thì biết bao nhiêu năm mới hết, vì lương chẳng mấy đồng” – ông Duy chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Mỹ, quan điểm của tỉnh là phải thu hồi số tiền chi sai, huyện đã thực hiện quyết liệt nhưng không thu hồi được, vì dân không chịu trả. “Nếu tỉnh chỉ đạo phải xử lý thì cho chủ trương cụ thể, hoặc là cán bộ phải nộp trả tiền chi sai, hoặc là xử lý cán bộ, trên cơ sở đó, UBND huyện sẽ báo cáo, xin ý kiến Ban Thường vụ Huyện ủy xử lý, vì trong hội đồng GPMB dự án có trường hợp là lãnh đạo của thời kỳ trước”, ông Duy đề xuất.
Vụ việc liên quan đến hơn 15 cán bộ, trong đó có cả lãnh đạo đã nghỉ hưu và còn đương chức. Nếu quy trách nhiệm thì phải xác định từng thời điểm, từng cá nhân phụ trách và điều này không đơn giản.
Trong bối cảnh này, huyện Phù Mỹ vẫn đang chờ chỉ đạo từ tỉnh Bình Định về hướng xử lý. Hai phương án đặt ra là, hoặc cán bộ phải hoàn trả số tiền đã chi sai, hoặc phải xử lý trách nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, lựa chọn nào cũng đầy khó khăn.
Việc thu hồi hơn 5,3 tỉ đồng chi sai trong giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1 tại huyện Phù Mỹ (Bình Định) kéo dài hơn 7 năm chưa giải quyết xong. Sắp tới, khi triển khai giai đoạn 2 của việc sắp xếp bộ máy hành chính, dự kiến sáp nhập tỉnh và không tổ chức cấp huyện, nếu số tiền này chưa được thu hồi, đơn vị hành chính mới sẽ phải tiếp nhận và xử lý. Điều này không chỉ kéo dài thời gian giải quyết mà còn tạo thêm gánh nặng cho bộ máy mới.
Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Phù Mỹ, Bình Định. Ảnh: Hoài Luân
Không tự giác nộp thì dùng biện pháp mạnh
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định khẳng định, việc bồi thường sai quy định phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước. Người dân không thể viện lý do đã tiêu hết tiền để từ chối hoàn trả, vì điều này không đúng pháp luật. Nếu hộ dân có tài sản, thu nhập nhưng không tự giác nộp, cần áp dụng biện pháp mạnh để đảm bảo công bằng xã hội.