Bỏ cấp huyện, sắp xếp cán bộ, công chức thế nào?

Sau khi Bộ Chính trị ban hành các kết luận nêu chủ trương bỏ cấp huyện, câu hỏi được nhiều người quan tâm là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở đây sẽ được sắp xếp thế nào.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu và Giám đốc Công an tỉnh Bùi Quang Bình trao quyết định cho các cán bộ công an được điều động, bố trí vị trí công tác mới sau khi không tổ chức công an cấp huyện. Ảnh: TIẾN HUY

Xin trả lời, đến sáng 5/3, Trung ương vẫn chưa có chủ trương, chính sách, quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, có những chỉ dấu, kinh nghiệm, cách làm là gợi ý để mọi người cùng suy ngẫm.

Chỉ dấu thứ nhất, ngày 1/3, tại Công văn số 006/BNV-CQĐP, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát, báo cáo về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, gửi về bộ này trước ngày 10/3 để báo cáo cấp có thẩm quyền.

Gần đây, khi bỏ công an cấp huyện thì một phần lực lượng chuyển về công an cấp xã, một phần chuyển đến công an cấp tỉnh, một số người được giải quyết chế độ cho nghỉ hưu trước tuổi… Tại Hải Dương, 1.133 lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ công an cấp huyện được điều động về công tác tại các phòng của Công an tỉnh, công an cấp xã và một số vị trí cán bộ có liên quan, trong đó 201 đồng chí giữ các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng của Công an tỉnh và trưởng, phó trưởng công an cấp xã.

Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện sẽ được chuyển về cấp xã là một khả năng. Bộ Chính trị cũng đã yêu cầu tiếp tục sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp xã để hình thành những xã rộng hơn, tạo không gian phát triển mới. Khi xã lớn hơn, yêu cầu lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cũng sẽ cao hơn. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện chuyển về cấp xã sẽ giúp nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ ở cơ sở. Những cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay có trình độ, năng lực hạn chế có thể phải nghỉ việc, nghỉ hưu sớm hoặc chuyển xuống công tác tại các thôn, khu dân cư…

Một bộ phận khác của cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện có thể được luân chuyển lên công tác ở cấp tỉnh nếu bảo đảm các yêu cầu về tổ chức bộ máy, năng lực, phẩm chất đạo đức, tiêu chuẩn chính trị…

Thực tế hiện nay, không ít cán bộ, công chức, viên chức lớn tuổi, sắp nghỉ hưu ở nhiều cấp, nhiều ngành đã tự nguyện nghỉ hưu sớm và được hưởng một khoản tiền không nhỏ theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Một bộ phận khác xin nghỉ và hưởng chế độ chính sách theo Nghị định 177/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 quy định chế độ chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm và cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.

Khi bỏ cấp huyện, chắc chắn nhiều người sẽ tiếp tục nghỉ việc để hưởng chế độ như nêu trên.

Bộ Nội vụ cũng thông tin đã báo cáo Đảng uỷ Chính phủ để báo Bộ Chính trị cho chủ trương mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng của Nghị định 178.

Theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy Chính phủ phải báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương về nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp chậm nhất ngày 9/3/2025. Sau khi có chủ trương của Bộ Chính trị về không tổ chức cấp huyện, các cơ quan nhà nước phải thể chế hóa bằng chính sách, pháp luật, quy định cụ thể. Lúc ấy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đâu về đâu sẽ rõ ràng.

Với tốc độ rất nhanh của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, mọi người sẽ sớm biết thông tin cụ thể.

https://baohaiduong.vn/bo-cap-huyen-sap-xep-can-bo-cong-chuc-the-nao-406601.html