Bỏ Sài Gòn, một người ra Tuyên Quang lên núi trồng thứ cây gì tốt um khiến cả làng phục lăn?

Là người yêu thiên nhiên, năm 2020 từ TP Hồ Chí Minh anh Hoàng Quốc Thanh đã đến với vùng rừng núi huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang để trồng cây dược liệu, cây thuốc nam quý hiếm với phương pháp “thuận tự nhiên”.

Thực hiện phương pháp trồng dược liệu thuận tự nhiên với 4 không (không cày xới, không bón phân, không dùng thuốc, không tưới nước) mà chỉ trồng cây dược liệu xuống đất. Cây dược liệu đã có môi trường sống hoàn toàn tự nhiên và đã tạo ra những dược tính tốt nhất khi sử dụng.

Bỏ phố lên rừng làm dược liệu “thuận tự nhiên” - Ảnh 1.

Anh Hoàng Quốc Thanh (bìa phải) trồng vườn dược liệu theo phương pháp thuận tự nhiên tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang.

Để phát triển trồng dược liệu theo hướng thuận tự nhiên của mình anh Thanh đã đầu tư mua 5ha rừng sản xuất của bà con nông dân để phát triển.

Với 1ha khu vực rừng đất trọc anh Thanh đã trồng cây họ đậu để cải tạo đất, sau đó trồng cây chuối và cây ăn quả tạo nhằm tạo tán và sau đó mới trồng cây dược liệu; còn 4ha đất rừng đang có sẵn cây đa tầng, anh Thanh đã tiến hành trồng các cây dược liệu như: Khôi nhung, trinh nữ hoàng cung, cỏ ngọt, hà thủ ô, ba kích, thất diệp nhất chi hoa, sâm…

Theo anh Thanh: Phương pháp “Thuận tự nhiên” triển khai ở Lâm Bình đó là ở mức độ cấp độ cao nhất là KISS (keep is simple, sutupid) nghĩa là sau khi trồng cây giống hoàn toàn không chăm sóc để cây dược liệu phát triển tự nhiên.

Trong vườn rừng của anh Thanh, các cây dược liệu được coi là cây ATM, còn các cây rừng khác (thảm thực vật, cây dây leo, cây tầng cao…) sẽ là những cây cộng sinh… Từ đó sẽ tạo hệ sinh thái rừng hoàn toàn “Thuận tự nhiên” các loại cây sẽ tương sinh, tương hỗ cho nhau cùng phát triển.

Khi có mưa xuống các tầng thực vật đa dạng, dày đặc sẽ góp phần hiệu quả trong việc giữ nước chống xói mòn đất và giữ độ ẩm cho đất, giữ môi trường tốt cho hệ vi sinh vật dưới mặt đất. Vì thế, hệ sinh thái rừng đa tầng giúp giảm thiệt hại do thiên tai gây ra đối với con người.

Để thành công trong triết lý trồng cây “Thuận tự nhiên” ở huyện Lâm Bình, anh Thanh lý giải thêm do đất ở đây rất màu mỡ (thường có từ 10-20 cm đất mùn) vì vậy cây dược liệu khi trồng xuống đất sẽ có đủ dinh dưỡng để phát triển.

Cùng với đó rừng dược liệu đã được nhánh dòng Sông Gâm bao bọc, ngay từ sáng sớm sẽ có sương lên từ đó tạo độ ẩm rất là tốt cho cây dược liệu phát triển…

Vì vậy không chỉ có các cây dược liệu bản địa mà nhiều cây dược liệu quý khác được đưa về đây trồng đều phát triển rất tốt.

Đến tháng 9/2023 cây khôi nhung trong vườn dược liệu của anh Thanh đã thu hoạch lứa lá đầu tiên, giờ đây định kỳ 3 tháng cây khôi nhung cho thu hoạch 1 lần, mỗi lần thu được 40 triệu đồng/ha.

Với khoảng 3.000 cây khôi nhung trồng dưới tán 1ha sẽ cho thu 1,5 tấn lá khô sạch, đạt giá trị 300 triệu đồng.

Hiện nay vườn thảo dược của Thanh đã có rất nhiều cây thuốc quý và mang lại giá trị sử dụng cao như: Cây cỏ ngọt, ba kích, kim tiền thảo, gừng gió, địa liền, trinh nữ hoàng cung, khôi nhung, nấm lim xanh, trà hoa vàng… Bên cạnh đó nhiều cây thuốc còn được sử dụng làm rau ăn có giá trị lớn cho sức khỏe như: bò khai, giảo cổ lam, lá nhội… Vườn rừng của Thanh ngoài kinh tế còn có vai trò bảo tồn các cây dược liệu.

Bỏ phố lên rừng làm dược liệu “thuận tự nhiên” - Ảnh 2.

Cây khôi nhung đã phát triển rất tốt theo phương pháp trồng thuận tự nhiên tại khu vườn rừng của anh Hoàng Quốc Thanh ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang).

Đang làm việc trồng dược liệu cho anh Thanh, ông Mụ Văn Tùng ở xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình cho hay: Ban đầu chúng tôi chưa tin cách làm anh Thanh, bởi giờ đây trồng cây gì cũng phải bón phân, phun thuốc… nhưng được anh Thanh giải thích chúng tôi hiểu rằng trồng cây theo phương thức thuận tự nhiên này sẽ cho được cây thuốc có tính dược tốt nhất, bởi cây tự sinh trưởng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên.

Không chỉ phát triển vườn dược liệu của mình anh Thanh đã hỗ trợ giống, kỹ thuật… cho nhiều bà con trên địa bàn huyện Lâm Bình để phát triển cây dược liệu thuận tự nhiên.

Chia sẻ về dự định của mình anh Thanh cho biết thêm: Trong thời gian tới tôi muốn xây dựng khu vườn rừng dược liệu của mình và các hộ gia đình đang trồng dược liệu xung quanh trở thành điểm “Du lịch trải nghiệm về cây thuốc nam”, khi đó mọi người đến sẽ hiểu được giá trị của cây thuốc nam, hệ sinh thái rừng và hiểu thêm về ý nghĩa “rừng là vàng”.

https://danviet.vn/bo-sai-gon-mot-nguoi-ra-tuyen-quang-len-nui-trong-cay-duoc-lieu-gi-tot-um-khien-ca-lang-phuc-lan-20250311154028872.htm