
Những hệ lụy do dịch cúm mùa khiến thế giới không thể chủ quan trước lời cảnh báo về nguy cơ tái diễn một đại dịch giống COVID-19.
Kể từ cuối năm 2024 đến nay, dịch cúm mùa đã diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia ở châu Á, châu Âu và Mỹ, với số ca nhiễm cùng ca tử vong gia tăng nhanh chóng. Những hệ lụy do cúm mùa khiến thế giới không thể chủ quan và lời cảnh báo về diễn biến bất thường cùng biện pháp ứng phó với cúm mùa đã được các chính quyền cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với tình hình dịch bệnh năm nay.
Cúm mùa là một bệnh lý lây nhiễm quen thuộc, có lịch sử bùng phát lần đầu tiên vào thế kỷ 16, trong đó đại dịch cúm Tây Ban Nha vào năm 1918-1919 từng là nỗi ám ảnh của nhân loại khi gây ra khoảng 21 triệu ca tử vong trên toàn thế giới. Với cộng đồng trong nước, câu chuyện cúm mùa của năm nay khiến dư luận chú ý vì nó gắn liền với ca tử vong của diễn viên nổi tiếng người Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên tại Nhật Bản vì bệnh cúm.
Kể từ cuối năm 2024 đến tháng 2 năm nay, dịch cúm mùa đã diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia ở châu Á. (Ảnh: SSB)
Dịch cúm hoành hành tại châu Á
Nhiều quốc gia tại châu Á đã phải đối mặt với dịch cúm tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ tháng 12/2024, Nhật Bản chứng kiến số ca nhiễm cúm tăng đột biến, cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số lượng bệnh nhân mắc cúm mùa chiếm con số áp đảo so với các bệnh khác với đỉnh điểm là vào cuối tháng 1. Ước tính số bệnh nhân trên toàn quốc trong tuần tính đến ngày 19/1 là khoảng 386.000 người và tổng số bệnh nhân trong mùa cúm kể từ ngày 2/9/2024 là khoảng 9.523.000 người. Cuối năm 2024, giới chức y tế Nhật Bản đã thông báo số ca bệnh cúm mùa vào thời điểm cuối năm ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Nhật Bản ước tính nếu tính cả chi phí điều trị cúm và ảnh hưởng kinh tế do người lao động phải nghỉ ốm, thì mùa cúm năm 2025 có thể gây thiệt hại lên tới khoảng 6.300 tỉ yen, khoảng hơn 41 tỷ USD.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), trong tuần cuối tháng 1, số người có triệu chứng cúm đã vượt mốc cao nhất trong vòng 10 mùa dịch gần đây.
Kể từ đầu tháng 1, Hàn Quốc cũng trải qua đợt dịch cúm lan rộng nhất kể từ năm 2016 với số ca bệnh tăng mạnh, đặc biệt ở nhóm tuổi từ 13 đến 18 tuổi. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết tỷ lệ người nghi mắc cúm khoảng 74 người trên 1.000 lượt khám tại 300 cơ sở y tế, tăng 136% so thời điểm cuối năm ngoái. Tỷ lệ này tiến gần đến mức đỉnh 86,2 vào năm 2016.
Dịch cúm hoành hành tại châu Á trong hai tháng đầu năm. (Ảnh: China Daily)
Cúm mùa bùng phát mạnh mẽ tại châu Âu
Mùa đông năm nay chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của dịch cúm tại nhiều quốc gia châu Âu. Trong đó, Bỉ đã trải qua đợt dịch tồi tệ nhất tại nước này kể từ sau đại dịch COVID-19.
Tại Cộng hòa Czech, tỷ lệ người mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp lên tới 86% trong tuần đầu của tháng 2/2025, với số ca mắc cúm là 2.219 bệnh nhân trên 100.000 dân.
Mùa đông năm nay, tại Pháp, bệnh cúm dễ lây lan hơn bình thường với sự lưu hành cùng lúc của 3 loại virus cúm AH1N, H3N2 và cúm B. Điều này khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn. Hàng năm, từ 2-6 triệu người Pháp bị nhiễm virus cúm và khoảng 10.000 người tử vong vì bệnh cúm.
Romania cũng ghi nhận số ca nhiễm trùng đường hô hấp và cúm ở mức kỷ lục, vượt quá 170.000 ca trên toàn quốc từ ngày 27/1 – 2/2.
https://vtv.vn/the-gioi/loi-canh-bao-ve-nguy-co-tai-dien-mot-dai-dich-nhu-covid-19-20250305234827804.htm