Nhiều nhà máy luyện kim ở Cao Bằng bị bỏ hoang

Nhiều nhà máy luyện kim ở Cao Bằng chỉ hoạt động trong thời gian ngắn rồi dừng hoạt động, bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến kinh tế địa phương.

Nhiều nhà máy luyện kim ở Cao Bằng bị bỏ hoangNhà máy luyện Feromangan bỏ hoang tại xóm Khuổi Han (xã Ngũ Lão, huyện Hòa An). Ảnh: Tân Văn

Loạt nhà máy hoang tàn

Trong chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế của Cao Bằng, lĩnh vực khai khoáng được xác định là lợi thế để phát triển với tiêu chí khai thác phải gắn với chế biến sâu, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản vốn giàu có tại địa phương.

Mặc dù vậy, ngoài một số nhà máy hoạt động ổn định, nhiều nhà máy luyện kim tại địa phương này chỉ hoạt động được một thời gian ngắn rồi ngưng hoạt động, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp.

Ghi nhận thực tế tại Nhà máy Luyện gang Cao Sơn Hà (xã Ngũ Lão, huyện Hòa An), toàn bộ các nhà xưởng đều lâm cảnh hoang tàn, khu vực cổng vào quây tôn kín, cỏ dại mọc um tùm.

Chị Hoàng Thị Xuyến (huyện Hòa An) chia sẻ: “Nhà máy này xây dựng từ lâu, năm 2013 hoạt động lại một thời gian ngắn rồi bỏ không đến nay. Máy móc để hoang rất lãng phí, nếu nhà máy duy trì sản xuất, người dân sẽ có việc làm, thu nhập. Cứ để vậy nhiều năm, đất đai và nhà xưởng đều xuống cấp”.

Thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Cao Bằng, Nhà máy Luyện gang Cao Sơn Hà thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản Cao Sơn Hà được xây dựng vào tháng 6.2006, do thiếu vốn và dây chuyền lạc hậu nên không hoạt động được.

Đến tháng 8.2010, Tổng Công ty Khoáng sản Việt đã mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Cao Sơn Hà. Để nhà máy có thể đi vào sản xuất, Công ty Phú Sơn thuộc Tập đoàn Khoáng sản Tây Giang đã cùng đầu tư trên 100 tỉ đồng xây dựng hạ tầng và dây chuyền công nghệ. Sau khi chỉnh sửa, đến tháng 8.2013, lò luyện gang và xỉ dầu Cao Sơn Hà hoạt động trở lại.

Ở lần hoạt động trở lại này, nhà máy có công suất theo thiết kế 80.000 tấn sản phẩm gang, xỉ dầu/năm, sản lượng trên 240.000 tấn quặng sắt nguyên liệu/năm, tạo việc làm cho trên 200 lao động địa phương. Khi dây chuyền của nhà máy đi vào hoạt động ổn định, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đóng góp một ngân sách đáng kể cho Nhà nước.

Tuy nhiên, việc khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh và sau đó nhà máy dừng sản xuất.

Cảnh hoang tàn, bỏ không tại Nhà máy Luyện gang Cao Sơn Hà. Ảnh: Tân VănCảnh hoang tàn, bỏ không tại Nhà máy Luyện gang Cao Sơn Hà. Ảnh: Tân Văn

Vòng luẩn quẩn dự án

Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Nhà máy Luyện gang 30.4 (xã Chu Trinh, TP Cao Bằng), với thiết kế lò cao của nhà máy là 60m3, tổng sản lượng gang làm ra hằng năm sẽ là hàng chục tấn. Thế nhưng, những con số này không kéo dài được lâu khi lần lượt các nhà máy đều ngưng sản xuất từ khoảng năm 2017.

Dọc theo tuyến đường từ TP Cao Bằng hướng về xã Ngũ Lão, huyện Hòa An, PV tiếp tục bắt gặp nhà máy sản xuất Feromangan và Dioxit Mangan điện giải, tổng mức đầu tư 578 tỉ đồng (xóm Khuổi Hàn).

Tại đây, nhà máy có thiết kế với 2 lò luyện, công suất thiết kế mỗi lò khoảng 12.500 KVA, sản lượng đạt 40.000 tấn sản phẩm/năm; dây chuyền thiêu kết hoạt động với công suất 400 tấn/ngày, đáp ứng lượng quặng thiêu kết cho 2 lò cao. Năm 2016, nhà máy này cho ra lò nhiều mẻ kim loại, mang về hàng trăm tỉ đồng cho tập đoàn.

Sau khi nhà máy dừng, TG Group cho Công ty TNHH Nhật Anh thuê lại, rồi lại bán cho một đơn vị khác mang tên Công ty Khoáng sản Việt, qua tay nhiều chủ nhưng nhà máy này vẫn tiếp tục bỏ không theo thời gian.

Trao đổi với PV, đại diện UBND huyện Hoà An cho hay, do nguồn lực, cũng như nguyên liệu của từng nhà máy, công ty không còn đảm bảo để hoạt động, địa phương mong muốn các doanh nghiệp sớm có hướng xử lý giải quyết cảnh hoang tàn kể trên.

Các nhà máy luyện kim bỏ hoang trên, đều thuộc Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Tây Giang. Địa chỉ hiện tại của doanh nghiệp này là tổ 22 đường 3/10 phường Sông Bằng, TP Cao Bằng. Doanh nghiệp này, do bà Trần Thị Tuyết làm Chủ tịch HĐQT, đã mở rộng 18 công ty con và nhà máy luyện kim từ năm 2010. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn hoạt động, hầu hết nhà máy đều đóng cửa. Sau đó, công ty chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp khác, nhưng các nhà máy vẫn không hoạt động trở lại.

https://laodong.vn/xa-hoi/nhieu-nha-may-luyen-kim-o-cao-bang-bi-bo-hoang-1472705.ldo